Căn nhà được thiết kế theo kiến trúc Pháp ba tầng lầu nằm bên một
con rạch lộng gió trong khu dân cư mới ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) trở
thành bảo tàng thời gian của ông Long. Bảo tàng chưa được đặt tên, nhưng
giới mê đồ cổ cả nước đều biết đến. 30.000 chiếc đồng hồ, đa phần là cổ
được ông sưu tập ở khắp nơi.
“Tôi sinh ra trong gia đình cách mạng ở vùng quê nghèo Thanh Hóa.
Hồi nhỏ đi học, tôi chỉ mơ ước lớn lên có thể mua được một món quà tặng
mẹ và một chiếc đồng hồ. Lúc đó, tôi chỉ khát khao có một chiếc đồng hồ
để đi học đúng giờ vì trường cách nhà rất xa”, ông Long hồi tưởng. Mãi
đến năm 1970, cha ông đi Liên Xô và mang về cho một chiếc đồng hồ
Poljot. Đó là chiếc đầu tiên trong đời ông. Tới năm 1974, khi ở chiến
trường miền Nam, ông chính thức sở hữu một chiếc đồng hồ, loại Seiko 5.
“Sau này, tôi được thừa hưởng chiếc Poljot của cha. Còn chiếc Seiko 5,
rất tiếc nó không còn chạy nữa. Mãi đến năm 1979, tôi mới mua thêm một
chiếc đồng hồ, hiệu Rado. Ba chiếc đồng hồ tôi có đầu tiên đều được gìn
giữ cho tới ngày nay”, ông Long kể.
Hành trình sưu tập đồng hồ của ông là “thấy đâu mua đó”. Đi du
lịch, ông chủ yếu dành thời gian lùng sục mua đồng hồ cũ, mang về lau
chùi, lắp ráp lại. Có những chiếc đồng hồ treo tường ông phải ráp từ 2 -
3 cái cũ. Bộ sưu tập đồng hồ của ông chia thành nhiều loại, gồm đồng hồ
nam, nữ, đồng hồ treo tường, để tủ, để bệ, đồng hồ quả quýt... Trong số
đó, có chiếc đồng hồ đeo tay mà theo ông có giá trị lên tới 1 triệu USD
hay chiếc Piaget có giá 165.000 USD đính đầy kim cương trên thân vàng.
Ngoài ra, còn có hai chiếc đồng hồ để bàn bằng vàng, bạc nguyên khối,
mỗi cái nặng 3 - 4 kg.
Ông từng tiếc đứt ruột khi chiếc đồng
hồ cát tuổi đời ngàn năm có xuất xứ ở Ai Cập bị vỡ lúc công nhân di
chuyển bộ sưu tập. Ông thích tặng đồng hồ cho nhiều người, tính cả thảy
tới 3.000 chiếc. Ngược lại, cũng có nhiều người tặng đồng hồ cho ông.
Như 3 chiếc đồng hồ của Dương Văn Minh; 2 chiếc đồng hồ của ông Nguyễn
Cao Kỳ... Ông cũng sở hữu chiếc đồng hồ trị giá 700 lượng vàng (trị giá
thời xưa) được cho là của ông Trần Thiện Khiêm, một cựu thủ tướng chế độ
cũ.
Quan điểm của ông Long rất đơn giản: “Cổ vật là của nhân loại, tôi
như một người thủ thư gìn giữ chúng mà thôi”. Vì thế, việc xây dựng bảo
tàng thời gian, bảo tàng văn hóa Việt (trưng bày cổ vật, không phải đồng
hồ) và bảo tàng Sa Huỳnh của ông cũng xuất phát từ quan điểm đó - không
bán vé vào cổng. “Tôi mong muốn mọi người cùng được chiêm ngưỡng những
giá trị của nhân loại, của dân tộc Việt Nam”, ông tâm sự và cho biết có
giai đoạn từ 2009 - 2013, ông phải bán tới 16 chiếc xe hơi để trả lương
cho nhân viên, nhưng nhất quyết không dám bán một cái chén, một cái bát,
một chiếc đồng hồ.
Đề cập đến tổng giá trị của bảo tàng thời gian, ông chỉ tóm gọn:
Không biết mua hết bao nhiêu tiền, chỉ biết trong đó có 100 đồng hồ có
giá vài trăm ngàn USD/cái trở lên; có cả mấy ngàn đồng hồ giá từ 1.000
USD/cái trở lên...
( Theo : Thanh Niên )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét